La Bàn Nội Tâm: Sự khác biệt giữa những điều không thể và những điều có thể

Bài phát biểu của anh Phạm Đức Trung Kiên, một người bạn đáng kính của tôi.

Một cuộc sống có Mục đích. Một cuộc sống với niềm đam mê. Một cuộc sống với các nguyên tắc.

Chào các bạn. Trước tiên, tôi muốn cảm ơn những người tổ chức buổi hội thảo này. Các bạn là những người tuyệt vời. Tuyệt vời không phải vì các bạn mời tôi đến nói chuyện, mà bởi vì bạn đang đáp ứng nhu cầu của những người đến đây ngày hôm nay. Tôi đánh giá cao món quà các bạn dành cho xã hội và đất nước Việt Nam.

Bình thường, tôi không nhận lời mời đến phát biểu tại Việt Nam. Không phải là tôi nhút nhát hay không thích nói. Ngược lại, tôi không phải là một người nhút nhát và tôi có thể nói cho đến khi “con kiến trong lỗ chui ra.” Nhưng tôi thấy các bài phát biểu thường làm cho khán giả bị nhàm chán. Do đó, tôi sợ và không muốn lên bục phát biểu vì lo rằng khán giả có thể hiểu nhầm tôi là người tể nhạt thay vì nghĩ bài phát biểu của tôi là nhàm chán. Nếu việc đó xảy ra thì quả là một thảm họa cho tôi!

Thực ra, khi nhận được lời mời từ Điệp Bùi, tôi đồng ý ngay, mặc dù khi đó, tôi cũng chưa biết mình sẽ nói những gì, thậm chí cũng không chắc chắn mình có thể quay trở lại Hà Nội trước buổi gặp mặt này. Tôi đã đồng ý nhanh như vậy, chính vì tiêu đề của buổi gặp này “Bạn có thể làm được”. Tôi thực sự thích cụm từ đó bởi vì nó rất đơn giản, đầy tính khẳng định, sự tích cực, và sự quyết đoán. Cá nhân tôi cũng đã sống theo cụm từ đó cả đời. Vì vậy, tôi đã trả lời “Đồng ý” và đến đây sáng nay, không phải để phát biểu mà để chia sẻ.

Những gì tôi muốn chia sẻ với bạn là thông điệp của ba chữ: Mục đích. Đam mê. Nguyên tắc. Cả 3 đều bắt đầu với mẫu tự P! (Tiếng Anh: Purpose – Passion – Principle) (Nghe hấp dẫn không các bạn? Tôi đã nghĩ ra những từ này trên chuyến bay từ Tokyo về Hà Nội.) Và tôi thậm chí còn nghĩ ra một tiêu đề cho bài nói chuyện này. Đó là “La Bàn Nội Tâm: Sự khác biệt giữa những điều không thể và những điều có thể”.

Rất nhiều năm trước, khi tôi bằng tuổi của bạn, cuộc sống của tôi dường như đầy rẫy những điều không thể. Tôi ở Mỹ, rất xa Việt Nam. Về quê hương dường như là điều không thể. Tiếng Anh của tôi rất tệ và nói lưu loát bằng tiếng Anh dường như là điều không thể. Tôi rất nghèo và một cuộc sống sung túc cũng dường như là điều không thể. Đi học đại học dường như cũng không thể. Và vào học quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford lại càng là điều không thể. Nhưng hôm nay, tôi đang đứng trước mặt bạn ở đây: Tại Việt Nam. Phát biểu lưu loát bằng tiếng Anh (và có văn phong đàng hoàng!). Là tỷ phú tiền Việt. Tôi cũng đã tốt nghiệp đại học. Và hãnh diện là một người có bằng Stanford MBA.

Vậy những gì đã xảy ra với những điều không thể trước đây? Thưa các bạn, tôi đã biến tất cả chúng thành có thể. Tôi đã thực hiện được những việc đó bởi vì những điều không thể đã không làm tôi bị tê liệt. Thay vào đó, chúng đã làm tôi năng động hơn. Tôi trở thành một người có đức tin – tôi không có ý nói về tôn giáo, mà là khía cạnh tinh thần. Tôi đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc sống củatôi, về con người mà tôi muốn trở thành. Tôi đã xem xét lại động cơ của tôi, lý lẽ của tôi, và tham vọng của tôi. Và tôi tự vấn mình. Tôi tự vấn mình với rất nhiều câu hỏi “Tại sao”. Tôi muốn biết cá nhân Kiên này sẽ làm gì với những thành tựu của anh ta, thanh danh của anh ta, tiền bạc của anh ta, kiến ​​thức của anh ta, và trên thực tế, cả thời giờ của anh ta nữa. Thời giờ là sở hữu quý giá nhất của mỗi người. Chúng ta không thể tạo thêm thời giờ cho mình. Các bạn và tôi đều chỉ có 24 giờ một ngày và 365 ngày mỗi năm.

Qua quá trình đào xới nội tâm đầy suy tư và trung thực (mà chắc chắn đã không xảy ra trong một đêm), tôi đã xây dựng được một điều quan trọng. Điều đó ở lại trong tôi cả đời. Đó là La Bàn Nội Tâm của tôi. Chúng ta đều biết rằng kim chỉ nam màu đỏ luôn chỉ về phía Bắc cho dù chúng ta bị xoay chuyển và xô đẩy như thế nào. Được trang bị la bàn nội tâm, cuộc sống của tôi được định hướng. Chắc các bạn đã biết rằng cuộc đời của tôi không phải là một đường thẳng. Trong công việc của mình, tôi đã đặt bước trên những hành lang to lớn, lát đá cẩm thạch của Quốc hội Mỹ, các lối đi hẹp và yên tĩnh của Nhà Trắng, bước trên những tấm thảm dày trải trên sàn của các tập đoàn lớn, những con đường gập ghềnh của các công ty non trẻ, những con đường đất đầy bụi bẩn trên hành trình từ thiện, cũng như những con đường đầy lý tưởng và cao cả của các tổ chức phi lợi nhuận. Đúng thế, tôi đã có nhiều bước ngoặt, nhưng chưa bao giờ bị lạc lối, bởi vì tại mỗi bước ngoặt, tôi luôn luôn kiểm tra la bàn nội tâm của mình để xem chiếc kim màu đỏ chỉ theo hướng nào.

Vậy làm thế nào để bạn có thể tạo nên chiếc la bàn nội tâm cho bản thân? Câu trả lời là 3 chữ: Mục đích, Đam mê, và Nguyên tắc. Đó là 3 công cụ mà bạn có thể có và có thể sử dụng. Tôi sẽ đưa ra một vài gợi ý nhanh về từng công cụ trên để bạn có thể bắt đầu đi tìm kích thước, hình dạng và màu sắc cho công cụ của chính bạn. Trước tiên, bạn phải sống có mục đích. Mục đích của bạn trong cuộc sống không nên là những thứ tầm thường như một chiếc xe đẹp hoặc chiếc đồng hồ sang trọng. Hãy nghĩ về những gì lớn lao hơn và cao cả hơn. Mục tiêu của bạn phải lớn lao và cao cả đến mức nên được khắc lên bia mộ của bạn. Tôi gọi đó là “Bài tập bia mộ”. Bạn hãy suy nghĩ xem câu nào bạn muốn được chạm khắc lên bia mộ của mình sau khi đã qua đời? Hãy suy nghĩ về lý do cho sự hiện diện của bạn trên thế giới này và bạn sẽ tạo ra sự khác biệt gì. Và đêm nay, bạn nên bắt đầu viết câu khẩu hiệu đầu tiên về mục đích sống của mình.

Điều thứ hai, bạn nên biết là sẽ rất thú vị nếu sống với niềm đam mê. Đam mê là thứ nhiên liệu tên lửa đẩy bạn theo chiều thẳng đứng tiếp cận với quỹ đạo của sự xuất sắc. Niềm đam mê nằm trong tim, vì vậy hãy gìn giữ trái tim của mình chính trực và nâng niu nó. Khi bạn muốn thực hiện một bước ngoặt trong đời, hãy sử dụng trí óc của bạn để phân tích tất cả các biến số, nhưng tại thời điểm quyết định, hãy lắng nghe con tim của bạn. Bạn phải yêu thích những gì bạn làm để trở nên xuất sắc và thành công. Và cách duy nhất để bạn có thể yêu những gì bạn làm là hãy làm những gì bạn yêu thích. Vì vậy, giữ trái tim của bạn chính trực và lắng nghe tiếng nói của nó.

Thứ ba, cuộc sống của bạn phải có nguyên tắc. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì bạn còn trẻ và bạn sống trong một thế giới hỗn loạn với nhiều gam màu xám, nơi thường xảy ra những sự thỏa hiệp. Bạn nhận thấy rằng chỉ cách đây một phút, tôi đã hai lần kêu gọi các bạn “giữ cho bạn trái tim chính trực”. Để làm được điều đó, bạn cần phải giữ đúng với nguyên tắc của mình. Nguyên tắc của bạn có tác dụng như từ trường khiến cho la bàn của bạn luôn hướng về phương bắc. Nếu không có nguyên tắc, bạn sẽ bị rối loạn và thậm chí vô phương hướng.

Tôi hy vọng bạn hiểu rằng tôi không thể đưa ra một giải pháp chi tiết cho bạn. Tôi không thể nói mục đích của bạn trong cuộc sống là gì, niềm đam mê của bạn nên như thế nào, hoặc nguyên tắc của bạn nên là gì. Đó là việc của bạn. Những câu trả lời phải đến từ bạn. Những câu trả lời đó sẽ kết hợp với nhau và trở thành hệ thống giá trị của bạn, và, đó chính là la bàn nội tâm của bạn.

Ngay lúc này, tôi hiểu rằng các bạn không đến đây để nghe triết lý của tôi về cuộc sống. Các bạn đến đây với hy vọng rằng tôi sẽ chỉ cho bạn biết làm thế nào để được nhận vào trường Stanford. Chính thế, tôi đã làm điều đó rồi! Tôi vừa chỉ cho bạn công thức làm thế nào để vào được không chỉ Stanford mà còn nhiều trường học khác ở Mỹ.

Để tôi kể lại những gì tôi vừa cung cấp cho bạn: Đầu tiên, tôi nghĩ rằng tất cả các bạn đã biết SOP là gì. Vâng, đó là bài tiểu luận quan trọng nói về mục đích cuộc đời của bạn, nó có thể giúp bạn được nhận vào trường mà cũng có thể khiến bạn bị từ chối.. Bạn có nhớ tôi đã nói về một cuộc sống có mục đích vài phút trước đây? Nếu bạn sống có mục đích, bạn sẽ viết được bài tiểu luận này với đầy tính thuyết phục một cách tự nhiên và dễ dàng. Tôi nghĩ nhiều người đánh vật với bài tiểu luận này vì họ chưa có một cuộc sống có mục đích. Nếu bạn sống không mục đích, làm thế nào bạn có thể viết một bài tiểu luận về mục đích cuộc đời của bạn?

Thứ hai, ở đây có nhiều bạn đa tài và có thể phải đối mặt với sự lựa chọn học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh MBA hay học Thạc sỹ khoa học MA in science ở Hoa Kỳ? Tôi nghĩ các bạn có thể học tốt với bất cứ sự lựa chọn nào. Và một vài phút trước đây, tôi cũng nói về niềm đam mê và theo đuổi những gì bạn yêu thích để bạn có thể trở nên xuất sắc ở lĩnh vực đó. Nếu bạn biết niềm đam mê của mình và có thể giải thích rõ ràng, bạn sẽ có sự lựa chọn đúng đắn và các trường sẽ nhận bạn vì họ biết bạn sẽ thành công trong vai trò sinh viên cũng như cựu sinh viên của trường.

Thứ ba, khi đọc những đơn xin vào nhà trường, bạn có thể nhận thấy các trường tìm kiếm những con người có trí thông minh và đức độ. Họ muốn những thanh niên và thanh nữ có nguyên tắc, những người có thể giúp phát huy thương hiệu của trường bằng cách chọn lựa làm điều phải trong những tình huống khó khăn. Nếu không có cựu sinh viên sống có nguyên tắc, các trường biết rằng thế nào rồi nhà trường cũng sẽ mất đi danh tiếng và uy tín.

Vì vậy, để được nhận vào một trường đại học ở Hoa Kỳ, bạn cần phải có mục đích, niềm đam mê và nguyên tắc. Bạn cần phải có một la bàn nội tâm. Và bạn hãy cho nhà trường thấy la bàn nội tâm của bạn bằng cả lời nói và việc làm. Và, tất nhiên, hành động có hiệu lực hơn lời nói. Vì vậy, hãy sống với mục đích, niềm đam mê và nguyên tắc của bạn bắt đầu từ ngày hôm nay.

Ba mươi năm trước, tôi phải đối mặt với điều không thể khi tôi nộp đơn vào trường Cao học Kinh doanh Stanford. Trước đó, chưa có người Việt nào được nhận vào trường. Tôi không có tiền. Để học GMAT tại Kaplan, tôi phải đi vay $300. Điểm trung bình học của tôi chỉ ở mức khá 3.2. Và tôi chưa có kinh nghiệm làm việc. Nhưng tôi đã có một vũ khí bí mật: Tôi có la bàn nội tâm. Tôi biết tôi muốn những gì từ cuộc sống và tôi sẽ đi đến đâu. Nhà trường đã nhìn thấy điều đó và nhận tôi vào học. Họ đặt cược vào tôi, và tôi nghĩ rằng cuộc đời của tôi đã chứng minh rằng họ đã có quyết định đúng đắn khi nhận tôi vào học.

Và bây giờ, đến lượt các bạn. Các bạn cũng có thể biến những điều không thể thành có thể. Đúng thế, CÁC BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC, và tôi xin chúc các bạn thành công.

Cảm ơn sự chú ý của các bạn và sau đây, tôi xin nhận ba câu hỏi từ các bạn.

Phát biểu của Phạm Đức Trung Kiên tại buổi hội thảo “Các bạn có thể làm được” tại Hà Nội, ngày 18 Tháng Sáu 2011

Giới thiệu về anh Kiên: http://en.wikipedia.org/wiki/Pham_Duc_Trung_Kien